Bạn thân mến, đau khổ mà năn nỉ thở than, phải chăng là biểu hiện một tâm hồn yếu nhược khuyết điểm? Nhiều người nghĩ thế, nhưng trái lại, tôi tưởng than thở trong những phút phiền muộn, chỉ là tiếng tự nhiên của lòng người. Chúng ta không phải thiên thần, chúng ta là người có thân thể, là vật dễ cảm xúc nên mỗi khi gặp điều khó chịu, tự nhiên chúng ta phát lộ ra ngoài. Những câu ca dao truyền tụng trong dân gian, biểu lộ tấm lòng đau đớn, đời nào mà không được ngâm đi học lại: - Sống đời chinh chiến Vũ Thang, Những câu như thế và trăm nghìn câu khác còn não nùng hơn nữa, đều tỏ rằng: Người ta khó tránh khỏi thở than trong những lúc sầu buồn. Trong các sách cổ điển, chúng ta cũng gặp nhan nhản những lời than thở não nuột bi ai. Cuốn “Cung oán” là gì, nếu không phải một tiếng đau da diết? Cả cuốn “Chinh phụ ngâm” cũng chỉ là một lời than không dứt của một thiếu phụ xa chồng. Quyển “Bần nữ thán” nào không phải những dòng nước mắt của một thiếu nữ nghèo? Tại sao tôi nhắc tên những sách ấy? Là để đáp câu tôi nói lúc nãy: gặp đau khổ mà thở than đó chỉ là tiếng tự nhiên của lòng người. Mấy ai thoát được cái công lệ ấy. Thật vậy, không những các người trần tục, những người chưa hiểu giá trị sự đau khổ, mà cả đến những bậc vĩ nhân, những bậc thánh nhân trong những giờ phút đau khổ, cũng phát ra những tiếng não nùng, những tiếng lòng. Trong “Sấm truyền cũ”, không thiếu gì những truyện ấy, Bạn hãy mở ra mà đọc. Đây là vài đoạn làm ví dụ. Ông Gióp ngồi trên đống tro đã làm gì ? Ngài đã than những lời rất u uất; đọc lên, những người đa cảm không thể cầm nổi giọt lệ: “Vô phúc cho ngày tôi đã sinh ra. Bạn thân mến, đó là tiếng than thở của các vị thánh nhân. Các Ngài là những bậc mến Chúa hơn ta nên đã hiểu mọi việc đều do Chúa Quan phòng, và sự đau khổ có một giá trị cao cả, thế mà, đứng trước đau khổ, các Ngài còn phải phát lên những tiếng não nùng bi ai như thế, huống chi những người phàm trần… Các Đấng Thánh trong Đạo cũ đã thế, mà các Đấng Thánh trong Đạo mới, nhiều Đấng cũng vậy. Nhiều Đấng cũng đã kêu gọi sự chết đến, để các Đấng mau thoát cõi tù ngục tội lỗi và đau khổ này. Tôi không dám nói: mong chóng chết là điều tốt hơn. Nếu ta mong chết, để hết phạm tội, để kết hợp cùng Chúa đời đời, thì cái mong ấy tốt. Nhưng ta mong chết, chỉ vì sợ chịu đau khổ, chỉ vì muốn “thoát nợ đời” thì cái muốn ấy không được cao thượng. Chính Chúa cũng đã quở trách ông Gióp. Tôi chỉ muốn nói, nếu đôi khi Bạn thấy mình nản chí, gần như thất vọng, Bạn đừng bối rối, đừng ngạc nhiên vì chính các Vị Thánh cũng đã gặp những giây phút ấy. Đây tôi xin thuật thêm vài truyện, để minh chứng lời tôi vừa quả quyết. Trước là truyện Đức Mẹ – Như Bạn đã biết, Đức Mẹ đem Chúa Giêsu lên thành Giêrusalem chầu lễ. Lễ xong, Chúa Giêsu ở lại, mà không cho Đức Mẹ biết. Đức Mẹ phải khó nhọc tìm Chúa trong ba ngày. Sau cùng, Đức Mẹ đã tìm thấy Chúa trong Đền Thánh. Bạn đã biết, giờ ấy Đức Mẹ làm gì. Đã hẳn, Đức Mẹ mừng lắm, nhưng vì đã tốn công tìm Chúa trong ba ngày, nên khi tìm thấy, Đức Mẹ đã phát lộ sự đau đớn ra ngoài “Hỡi con, con làm gì vậy? Con có biết, Thầy Mẹ đã phải khó nhọc đau đớn tìm con trong ba ngày không?” (2) Đó chính là tiếng lòng, tiếng lòng đau đớn. Đã đành, Đức Mẹ là Đấng Thánh, nên trong khi Đức Mẹ thổ lộ sự đau đớn, Người không than trách như ta. Nhưng câu Đức Mẹ nói ấy cũng cho ta thấy rằng: Gặp sự đau đớn mà phát lộ ra ngoài, không phải một điều lạ; đó chỉ là sự phù hợp với tính tự nhiên của con người. Đó chỉ là tiếng của quả tim bằng thịt, là vật dễ rung động, dễ cảm xúc. Một việc cỏn con cũng đủ làm cho nó rung động, một nụ cười thân mật của người yêu, một cử chỉ vô nghĩa của người ghét… tất cả đều có thể làm cho nó rung động được. Rồi như Bạn đã biết, Chúa Giêsu trong vườn Giệtsimani, Người đã làm gì. Đối diện với sự đau khổ Người sắp chịu trong ngày Thương khó, đứng trước những tội lỗi thiên hạ sẽ phạm sau này, nhìn thấy những sự tệ bạc của chúng ta, nhất là của những linh hồn Người yêu cách riêng, Chúa Giêsu thấy tim mình xúc động. Người phán: “Linh hồn Thầy buồn đến chết được..”. Rồi Người than thở cùng Đức Chúa Cha: “Lạy Cha, nếu có thể được xin cất chén đắng này đi cho con…” (3) Tiếng lòng đấy, Bạn ạ. Chính Chúa, phải, chính Chúa là Đấng đã xuống thế gian để cứu loài người, chính Chúa là Đấng đã hiến toàn thân chuộc tội thiên hạ, chính Chúa là Đấng các Thánh Tiên Tri đã gọi là “Hiện thân” sự đau khổ, chính Chúa là Đấng đã hiểu giá trị sự đau khổ hơn mọi người, thế mà khi sự đau khổ đến, Chúa cũng đi tìm sự yên ủi, Chúa cũng xin Đức Chúa Cha cất chén đắng đi cho mình, nghĩa là xin cho khỏi chịu đau đớn… Huống nữa là ta! Nhưng Bạn đừng quên. Sau khi đã xin Đức Chúa Cha cất chén đắng đi, Chúa Giêsu đã không quên nói tiếp lời: “Nhưng xin tuân thánh ý Cha, chứ đừng theo ý riêng con.” Và đó cũng là mục đích cuốn sách này. Vậy xin Bạn hãy vui lòng cầm lấy mà đọc. Tôi tặng riêng Bạn. Mong rằng: dù thô thiển, nó cũng có thể hiến Bạn một vài tia sáng, và tất nhiên, giúp Bạn chịu khó cho công nghiệp hơn. Tôi chắc sẽ có câu làm phật ý Bạn. Nhưng xin Bạn nhớ cho rằng: đó chỉ là những tiếng lòng của một người bạn theo hết nghĩa của tiếng “Bạn”. (1) Gióp 3,1-7
|